Trách nhiệm của Bộ TN-MT như thế nào trong vụ Formosa

on 29th Tháng Bảy 2016
| 855 views

“Cứ cho là quy trình cấp phép đúng đi, nhưng không lẽ, cấp phép cho nhà đầu tư vào xong muốn làm gì thì làm, muốn xả thải thì xả thải. Việc đó là không được”, ĐB Bùi Văn Xuyền nói.

Được biết , ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XIV, QH đã yêu cầu Chính phủ gửi báo vụ Formosa đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Để hiểu rõ hơn về nội dung này, PV báo tin tức đã có cuộc trao đổi với các ĐBQH về quan điểm xung quanh bản báo cáo này.

ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình): Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường như thế nào?

Chính phủ đã có báo cáo khá chi tiết, đầy đủ về vụ Formosa. Tuy nhiên, đây mới là báo cáo về tình hình vi phạm, kết quả điều tra xác minh, đánh giá và cuối cùng là tìm ra nguyên nhân, chủ thể gây ô nhiễm môi trường.

Vụ Formosa: Chưa nói đến trách nhiệm của Bộ TN-MT - Ảnh 1

ĐB Bùi Văn Xuyền: “Tất cả nói đúng quy trình không lẽ “hòa cả làng” là không thể được”.

Việc chỉ ra cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm trong vụ Formosa chưa được đề cấp đến. Báo cáo mới nói về việc tìm ra nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, thiệt hại từ đâu, xác định trách nhiệm đối tượng gây ra ô nhiễm môi trường, còn trách nhiệm cơ quan quản lý trong việc bảo vệ môi trường của Nhà nước ta ở các cấp chưa được chỉ rõ. Rõ ràng, hậu quả lớn như vậy chẳng lẽ không ai có trách nhiệm gì. Tất cả nói đúng quy trình không lẽ “hòa cả làng” là không thể được.

Trách nhiệm dù nhiều hay ít cũng phải được làm rõ, người quản lý, người theo dõi về môi trường, chúng ta có cả một hệ thống từ cơ sở đến tận Trung ương. Hậu quả đã xảy ra rồi, quá trình kiểm tra, thanh tra, theo dõi, giám sát không làm tròn nên mới như vậy .

Cứ cho là quy trình cấp phép dự án đúng đi. Không lẽ, cấp phép cho nhà đầu tư vào xong muốn làm gì thì làm, muốn xả thải thì xả thải. Việc đó là không được.

Rõ ràng, chúng ta phải xem xét quy định pháp luật về việc phân cấp phân quyền trách nhiệm đến đâu, với các dự án lớn như vậy. Địa phương kêu gọi đầu tư, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) phê duyệt đánh giá tác động môi trường như thế nào. Bộ TN-MT phối hợp trong việc kiểm tra, thanh tra, theo dõi những dự án nguy cơ cao ra sao. Như Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói là “dự án nguy cơ cao”, vậy phải làm rõ, bây giờ mới nhận thức được đây là dự án “nguy cơ cao” hay là trước đó đã biết. Dự án “nguy cơ cao” thì cơ quản quản lý phải có biện pháp đặc biệt gì theo dõi. Việc theo dõi thường xuyên hay dùng biện pháp khoa học nào, hay chúng ta cứ bỏ “xuồi” (trôi-PV) đi.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng): Chính phủ đã làm tốt khi buộc Formosa nhận lỗi

Vụ Formosa: Chưa nói đến trách nhiệm của Bộ TN-MT - Ảnh 2

ĐB Nguyễn Đức Kiên: “Bản báo cáo rõ ràng, rành mạch, công khai”.

Chúng tôi đã nhận được báo cáo của Chính phủ gửi đến từng ĐBQH về vụ việc liên quan đến Formosa. Tôi thấy, bản báo cáo rõ ràng, rành mạch, công khai. Trong thời gian rất ngắn, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã vào cuộc và buộc Formosa phải nhận lỗi, cam kết bồi thường. Đó là một kết quả quá tốt.

Tuy nhiên, trong báo cáo chưa nhắc đến việc Formosa chuyển tiền như thế nào, chuyển tiền khi nào, nhưng vấn đề bồi thường đã nằm trong cam kết, do đó, cũng không cần quá lo lắng.

ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM): Cần chỉ rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước

Cá nhân tôi, khi đọc báo của Chính phủ về vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung thấy Chính phủ rất quyết liệt, không có việc bao che. Báo cáo Chính phủ cũng đã chỉ rất rõ, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức năng, Việt Nam phải hợp tác với cả quốc tế đề tìm ra nguyên nhân, qua đó, buộc Formosa phải thừa nhận hơn 50 hành vi vi phạm của họ. Và sau đó, Formosa phải chấp nhận bồi thường và có các giải pháp xử lý môi trường.

Vụ Formosa: Chưa nói đến trách nhiệm của Bộ TN-MT - Ảnh 3

ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM).

Hiện nay, việc điều tra vụ Formosa đang còn tiếp tục. Vừa rồi, chúng ta phát hiện thêm việc chôn chất thải của Formosa nên chắc chắn việc không dừng lại đây. Theo tôi biết, Chính phủ sẽ có giải pháp trong giai đoạn tiếp theo, như thành lập các đoàn công tác đặc biệt trong việc giám sát các cam kết của Formosa trong việc khắc phục sự cố. Tôi nghĩ, chúng ta đã có nhiều hành động quyết liệt trong việc này.

Về vấn đề trách nhiệm của một cơ quan cụ thể của Nhà nước trong vụ Formosa, tôi chưa thấy trong báo cáo nhưng rõ ràng chúng ta không dừng lại mà công việc đang tiếp diễn.

Theo tôi, việc xem xét phải đem lại kết quả cuối cùng là chỉ ra rõ ra trách nhiệm của các đơn vị quản lý Nhà nước đến đâu, xử lý đến đó. Chúng ta phải chỉ rõ được địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân thì việc xử lý, rút kinh nghiệm mới có hiệu quả. Nếu chúng ta cứ nói chung chung, sẽ không quy trách nhiệm được ai cả. Vấn đề là phải có thời gian và làm cho thấu đáo mới làm gương cho các đơn vị khác và ai cũng thấy trách nhiệm của mình khi thực hiện công vụ.